Kỹ năng tiếp xúc, trao đổi với khách hàng trong các vụ án tranh chấp lao động

Tranh chấp lao động
(Ảnh minh họa - Nguồn: vanphongcongchung.org.vn)

Kỹ năng tiếp xúc, trao đổi với khách hàng trong các vụ án tranh chấp lao động của luật sư.

Cũng như việc khởi kiện tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, trước khi tư vấn cho khách hàng khởi kiện tranh chấp lao động liên quan đến tòa án, luật sư cũng phải tiếp xúc, trao đổi với khách hàng để nắm được nội dung vụ việc, mong muốn của khách hàng và điều kiện khởi kiện.

Theo quy định tại điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, phạm vi các tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án rất rộng. Toán không chỉ giải quyết các tranh chấp lao động bao gồm tranh chấp lao động cá nhân; tranh chấp lao động tập thể về quyền mà còn có Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến lao động bao gồm tranh chấp, học nghề, tập nghề; tranh chấp về cho thuê lại lao động; tranh chấp về quyền công đoàn, kinh phí công đoàn; tranh chấp về an toàn lao động, vệ sinh lao động; tranh chấp về bồi thường thiệt hại do Đình công bất hợp pháp và các tranh chấp khác về lao động, trừ trường hợp tranh chấp đó thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, khi tiếp xúc, trao đổi với khách hàng, luật sư cần làm rõ được nội dung tranh chấp giữa các bên, mong muốn của khách hàng khi khởi kiện và điều kiện khởi kiện của khách hàng.

Xác định nội dung tranh chấp giữa các bên:

Khi trao đổi với khách hàng về nội dung tranh chấp, luật sư cần làm rõ mối quan hệ giữa các bên tranh chấp và sự kiện tranh chấp.

Quan hệ giữa các bên tranh chấp:

Luật sư cần làm rõ mối quan hệ giữa các bên tranh chấp được xác lập dưới hình thức nào (hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc/hợp đồng cộng tác viên/hợp đồng thuê chuyên gia/hợp đồng thuê lại lao động). Hình thức ghi nhận mối quan hệ giữa hai bên đó có hợp pháp không? Tùy thuộc quan hệ giữa hai bên tranh chấp là quan hệ gì (quan hệ giữa người lao động với người sử dụng lao động; quan hệ giữa viên chức nhà nước với đơn vị sự nghiệp công lập; quan hệ giữa các bên cho thuê và bên thuê lại lao động) mà luật sư hỏi để làm rõ những vấn đề có liên quan. Chẳng hạn, nếu quan hệ giữa hai bên tranh chấp là quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động thì luật sư cần làm rõ: hợp đồng lao động ký kết giữa hai bên có hợp pháp không? Thời hạn của hợp đồng lao động; mức lương và các quyền lợi khác hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Sự kiện tranh chấp:

Phạm vi các tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án rất rộng, sau đó, việc làm rõ sự kiện tranh chấp phụ thuộc vào từng vụ việc cụ thể. Chẳng hạn, trong những vụ tranh chấp mà khách hàng cho rằng họ bị kỷ luật sa thải trái pháp luật thì luật sư thường làm rõ xem quyết định kỷ luật sa thải của người sử dụng lao động có đúng pháp luật không bằng cách hỏi để làm rõ: căn cứ người sử dụng lao động áp dụng để kỷ luật sa thải người lao động; thời hiệu xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm (nếu có) của người lao động còn hay đã hết; việc xử lý kỷ luật của người sử dụng lao động có tuân thủ đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục pháp luật hiện hành quy định không? Ai là người ký quyết định kỷ luật. Nếu khách hàng muốn luật sư tư vấn để khởi kiện tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (người lao động bị người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động) thì luật sư cần tập trung làm rõ: quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có căn cứ không? Xuống ngày người sử dụng lao động đã báo trước cho người lao động? Người lao động có đang trong thời gian quy định tại Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2019 khi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động? Ngoài ra, nếu người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách/thành viên ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp thì luật sư cần làm rõ thêm người sử dụng lao động có thực hiện đúng quy định của pháp luật khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với cán bộ công đoàn không chuyên trách/thành viên ban lãnh đạo tổ chức người đại diện lao động tại doanh nghiệp không? Nếu khách hàng muốn luật sư tư vấn khởi kiện tranh chấp về bồi thường thiệt hại do cuộc đình công bất hợp pháp gây ra thì luật sư cần làm rõ: cuộc đình công có do tổ chức đại diện tập thể lao động lãnh đạo không? Đã có quyết định của tòa án công bố cuộc đình công bất hợp pháp chưa? Các thiệt hại do cuộc đình công gây ra là bao nhiêu? Nếu khách hàng muốn khởi kiện người lao động yêu cầu hoàn trả chi phí đào tạo thì luật sư cần tập trung làm rõ: có việc đào tạo từ phía người sử dụng lao động không? Sự hai bên có ký kết hợp đồng đào tạo không? Nội dung cụ thể của hợp đồng đào tạo, đặc biệt là thỏa thuận về thời gian làm việc sau khi đào tạo? Hành vi vi phạm của người lao động là hành vi gì?…

Mong muốn nhu cầu của khách hàng khi khởi kiện:

Việc xác định rõ mong muốn của khách hàng sẽ giúp luật sư có thể đưa ra lời khuyên thích hợp cho khách hàng. Chẳng hạn, trong những vụ tranh chấp mà người lao động khởi kiện người sử dụng lao động vì cho rằng mình bị kỷ luật sa thải trái pháp luật, luật sư cần hỏi rõ xem người lao động muốn được trở lại làm việc tại doanh nghiệp hay chỉ muốn bồi thường các khoản tiền do bị kỷ luật sa thải trái pháp luật? Ngoài các yêu cầu liên quan đến việc bị kỷ luật sa thải trái pháp luật, người lao động còn có yêu cầu nào khác không?

Điều kiện khởi kiện của khách hàng:

Để có thể tư vấn cho khách hàng khởi kiện hay không nên khởi kiện, luật sư cần phải làm rõ các điều kiện khởi kiện của khách hàng như thủ tục tiền tố tụng; vụ tranh chấp đã được giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực của pháp luật chưa?…

5/5 - (2 bình chọn)
Công Chứng Viên 57 bài viết
Công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật này, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền